(HNM) – Bộ Xây dựng vừa thẩm định đồ án quy hoạch nghĩa trang Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nhiều nghĩa trang tập trung sẽ được xây mới thay thế cho các nghĩa trang cũ lần lượt đóng cửa vì hết quỹ đất.
Về nguyên tắc, các nghĩa trang được đề xuất phân theo vùng địa lý như khu vực bắc sông Hồng, đông sông Hồng, phía nam, phía tây thành phố; khu vực đô thị trung tâm, dự kiến sử dụng nghĩa trang Vĩnh Hằng, Yên Kỳ 2 (Ba Vì) và một nghĩa trang tập trung đặt tại huyện Chương Mỹ. Tại các nghĩa trang tập trung của thành phố đều bố trí cơ sở hỏa táng; ngoài ra còn hai cơ sở hỏa táng khác đặt tại huyện Đông Anh và Chương Mỹ. Nghĩa trang cấp quốc gia sẽ được bố trí tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.
Cùng với nghĩa trang tập trung của thành phố, mỗi huyện sẽ có một nghĩa trang tập trung cấp huyện (nếu đã đặt nghĩa trang tập trung thành phố thì có thể kết hợp), trong đó nghĩa trang thị xã Sơn Tây được đề xuất mở rộng từ 3,5ha lên 11,5ha; 11 nghĩa trang mới được xây dựng tập trung để phục vụ quy tập mộ, di dời, chôn mới tại Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức và Thạch Thất. Riêng nghĩa trang cấp xã, tùy thuộc quỹ đất, sẽ bố trí trong quy hoạch nông thôn mới. Bên cạnh nghĩa trang Văn Điển đã đóng cửa, đến năm 2015 sẽ có thêm 5 nghĩa trang dừng hoạt động là Mai Dịch, Xuân Đỉnh, Hà Đông, Sài Đồng, Yên Kỳ 1. Các nghĩa trang thôn nằm phân tán, quy mô nhỏ, không đủ khoảng cách ly hoặc nằm trong quy hoạch sử dụng đất cũng phải đóng cửa, trồng cây xanh cách ly hoặc di chuyển đến nghĩa trang tập trung theo quy hoạch. Dự kiến, đến năm 2020 chỉ còn nghĩa trang xã, không còn nghĩa trang thôn. Về phân kỳ đầu tư, sẽ ưu tiên xây dựng hai cơ sở hỏa táng tại nghĩa trang Thanh Tước và Đông Anh, xây dựng nghĩa trang Yên Kỳ 2, nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn) và hoàn thiện các dự án nhà tang lễ trong giai đoạn đến năm 2015. Giai đoạn năm 2016- 2020, thực hiện các dự án còn lại. Tổng kinh phí tính toán đến năm 2050 ước khoảng 32.779 tỷ đồng.
Trong khi đồ án quy hoạch đang được cơ quan chức năng thẩm định thì tình trạng của các nghĩa trang hiện có trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều quá tải trầm trọng. Theo thống kê, Hà Nội có tổng cộng hơn 2.300 nghĩa trang, quy mô 2.740ha nhưng chỉ có 6 nghĩa trang tập trung cấp thành phố, 3 cấp huyện, còn lại là nghĩa trang thôn, xã. Đa số nghĩa trang quốc gia và thành phố đều xây dựng cách đây 40-50 năm. Trong đó, nghĩa trang Văn Điển đã dừng hung táng từ năm 2010. Nghĩa trang Yên Kỳ có thể khai thác đến hết năm 2013. Nghĩa trang Vĩnh Hằng mới đưa vào sử dụng nhưng cũng không thể khai thác được lâu dài. Nghĩa trang Mai Dịch – nghĩa trang cấp quốc gia – cũng đang phải tìm chỗ mới thay thế. Các nghĩa trang thôn, xã đều phát triển tự phát, không có quy hoạch, nằm rải rác, xen kẽ đất lúa, khu dân cư… Ngoài tình trạng quá tải, hầu hết các nghĩa trang thiếu dịch vụ và mức phí khá cao. Có nơi, giá cho một ô mộ 1m2 lên tới 90 triệu đồng, hoặc có nơi cho thuê ruộng chôn 3 năm cũng khoảng 30-40 triệu đồng.
Thời gian qua, đã có một số nhà đầu tư đề xuất dự án xây dựng nghĩa trang tập trung nhưng vấp phải vướng mắc về mặt bằng. Điển hình như dự án nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn), dự án nghĩa trang Thanh Tước mở rộng hay dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ (giai đoạn 1). Tìm được vị trí đã khó, việc thuyết phục người dân sở tại đồng ý càng khó hơn. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản khẳng định, chủ trương nhất quán của thành phố là tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án để đáp ứng nhu cầu bức thiết của thành phố. Trong đó, dự án mở rộng nghĩa trang Thanh Tước, thành phố giao Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND huyện Mê Linh thực hiện giải phóng mặt bằng. Đối với dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ, thành phố yêu cầu UBND huyện Ba Vì đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trong tháng 10-2013, trước hết tổ chức đối thoại, nếu thực hiện đầy đủ quy định mà vẫn cố tình không chấp hành, thực hiện biện pháp kiên quyết thu hồi.
Tại thời điểm hiện tại quanh khu vực lân cận Hà Nội chỉ có duy nhất Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên được cấp sổ đỏ đã và đang đi vào hoạt động. Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên được triển khai xây dựng từ năm 2009 và đến nay đã tiếp nhận khoảng 300 phần mộ từ các gia đình ở Hà Nội.
Đối với cơ sở hỏa táng, thành phố yêu cầu cập nhật địa điểm xây dựng nghĩa trang tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ vào đồ án quy hoạch nghĩa trang Hà Nội để báo cáo cơ quan chức năng thẩm định; giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất địa điểm xây dựng cơ sở hỏa táng tại huyện Sóc Sơn, đồng thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận địa điểm xây dựng cơ sở hỏa táng tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh theo quy định của Luật Đê điều…
Đến năm 2015: Có thêm 5 nghĩa trang đóng cửa
Khánh Khoa – Lạc Hồng Viên